Sáng nay (8-3) là Ngày Quốc tế phụ nữ, nhưng với thượng úy Nguyễn Diệu Anh (29 tuổi) - cán bộ thuộc Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an - cũng giống như bao ngày bình thường khác.
Trở dậy từ 5h sáng, Diệu Anh chuẩn bị bữa sáng cho chồng con, rồi ra mục tiêu bảo vệ làm nhiệm vụ canh gác.
Diệu Anh kể, từ thời niên thiếu chị đã thần tượng anh trai ruột là chiến sĩ công an. Mỗi lần khoác "trộm" chiếc áo quân phục màu xanh của anh trai, ngắm mình trước gương, Diệu Anh lại càng thích thú, quyết tâm "phải cố gắng học để thi bằng được vào trường công an".
Mọi nỗ lực được đền đáp, Diệu Anh sau đó thi đỗ vào một trường công an. Sau khi ra trường, chị được phân về Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1.
Khoác lên mình màu áo cảnh sát đặc nhiệm, vì đặc thù công việc nên Diệu Anh cũng như các đồng đội phải dành 80% thời gian huấn luyện ngoài thao trường.
Các nội dung huấn luyện khắc nghiệt bao gồm chiến thuật, võ thuật, bắn súng, xuống dây nhà cao tầng, khí công… đã "biến" Diệu Anh từ một cô gái trẻ mảnh mai, dịu dàng trở thành chiến binh "mình đồng da sắt".
"Đứng trong hàng ngũ của cảnh sát đặc nhiệm, cũng giống như nam giới, tôi và các đồng nghiệp nữ phải trải qua khóa huấn luyện kỹ, chiến thuật với vô vàn khó khăn, thử thách.
Trải qua quá trình rèn luyện khắc nghiệt, da thịt bị trầy xước hay không may bị chấn thương trong lúc tập là chuyện thường xuyên xảy ra", thượng úy Diệu Anh nói và cho hay dù thể lực và khả năng không bằng nam giới, nhưng bằng tình yêu nghề, chị đã vượt qua mọi gian nan.
Sở trường của Diệu Anh là bắn súng. Với thành tích bắn súng xuất sắc, Diệu Anh từng được xem là "xạ thủ" của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1. Hiện nữ thượng úy đang là thành viên đội tuyển bắn súng của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động.
"Thời gian đầu mới được cầm khẩu súng, tay tôi run run vì sợ. Qua quá trình huấn luyện tôi được học nhiều thao tác, kỹ năng, cũng như thực hành bắn nhiều loại súng khác nhau. Từ đó, tôi học cách chiến thắng chính bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi, trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ", Diệu Anh tâm sự.
Cũng trong khoảng thời gian làm cảnh sát đặc nhiệm, Diệu Anh bén duyên với một chàng chiến sĩ đặc nhiệm và nên duyên vợ chồng.
Vì đặc thù công việc đặc nhiệm vất vả, luyện tập thường xuyên, không có thời gian dành cho gia đình, năm 2016 Diệu Anh quyết định đầu quân sang Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao.
Đặc thù công việc cảnh sát bảo vệ thường xuyên, liên tục canh gác, bảo vệ mục tiêu. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất rất vất vả, nhiều khi phải đối mặt với các rủi ro.
"Ngày thường đã đành, những ngày lễ, Tết cảnh sát bảo vệ mục tiêu gần như không bao giờ được gần bên gia đình. Có những lúc chúng tôi chỉ biết lấy công việc làm niềm vui để vượt qua tất cả", Diệu Anh nói.
Mỗi ngày, Diệu Anh phải thường xuyên đứng gác ngoài trời, thực hiện nhiệm vụ ba ca gác bao gồm cả ngày và đêm, mỗi ca kéo dài hai giờ đồng hồ. Từng là lính đặc nhiệm nên nhiệm vụ mới không làm khó được Diệu Anh.
"Nhiệm vụ nào cũng có khó khăn riêng, nhưng may mắn đơn vị luôn tạo điều kiện cho các chiến sĩ nữ, vì vậy chúng tôi phần nào đỡ vất vả hơn", Diệu Anh nói và cho hay chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm một công việc khác nhàn hạ hơn vì "đã là đam mê thì không thể từ bỏ".
Theo nữ thượng úy, điều hạnh phúc và món quà quý nhất với chị là gia đình nhỏ hạnh phúc và "được phục vụ cho ngành công an, bảo vệ bình yên cho nhân dân".
Thiếu tá Đường Công Tiến - đại đội trưởng Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao cho biết - cảnh sát bảo vệ mục tiêu đa phần là nam, rất ít chiến sĩ nữ.
"Việc canh gác mục tiêu đối với chiến sĩ nữ rất vất vả, nhất là những ngày thời tiết nắng nóng, mưa rét. Các chiến sĩ nữ có nhiều áp lực khi phải cân bằng cuộc sống, nhiệm vụ và gia đình. Vì vậy, mong cánh mày râu luôn yêu thương, trân trọng các chiến sĩ nữ nói riêng và phụ nữ nói chung", thiếu tá Tiến chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc