Cõng áo ấm lên non cho trẻ

Thứ hai - 23/01/2023 18:42 179 0
Khi tiết trời những ngày cuối năm trở rét cũng là lúc nhiều bạn trẻ ở các đội nhóm thiện nguyện nhiều nơi lại rủ nhau cõng áo ấm lên non cho trẻ.
Cõng áo ấm lên non cho trẻ

 

Cõng áo ấm lên non cho trẻ - Ảnh 1.

Các anh chị ở TP.HCM đã mang áo ấm tặng các em vùng biên giới phía Bắc - Ảnh: Nhóm G9

Từ miền Nam, miền Trung, những chuyến hàng thật đặc biệt, phần lớn chỉ chở theo áo ấm tìm về với trẻ con miền biên viễn, mặc cái rét, chỉ mong san sẻ chút hơi ấm đồng bằng để những ngày vào đông dần ấm hơi tình người.

Có tận mắt thấy những em nhỏ vùng cao, biên giới phải vượt qua cái lạnh khắc nghiệt để tới trường hằng ngày, hẳn bạn sẽ không thể nén được sự thương cảm.

Anh LÊ VĂN PHÚC (nhóm từ thiện Fly to sky)

Ngược lên biên giới

Hành trình "Tình nguyện mùa đông" mà gần 20 bạn trẻ nhóm G9 - Vì nụ cười trẻ thơ xuất phát từ TP.HCM tuy chỉ 4 ngày 3 đêm nhưng thật hạnh phúc khi 1.000 cái áo ấm, mũ len đã đến với Mộc Châu (Sơn La), Mường Lát (Thanh Hóa). 

Bạn Nguyễn Tiến Hùng chia sẻ: "Tôi gặp thêm nhiều bạn mới, nhất là đặt chân lên nơi dấu chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa đi qua. Không chỉ riêng tôi, các bạn trong đoàn đều thích những ánh mắt, nụ cười của các em nên chụp nhiều hình để lưu giữ những cảm xúc thật đặc biệt".

Các bạn đã đến điểm trường A Lá, xã Lóng Sập, Mộc Châu (Sơn La) - một trong các điểm trường tiếp giáp biên giới - sau hành trình đèo dốc ngoằn ngoèo trong sương mù, bên núi bên vực, tầm nhìn chỉ vài mét. 

Hùng ấn tượng mãi hình ảnh bé gái ngồi một mình ngay cổng trường với bộ đồ mong manh trong cái rét thấu xương, khi được khoác chiếc áo ấm lên người, nụ cười bọn trẻ như bừng sáng.

Hành trình tiếp theo đưa nhóm đến điểm Sài Khao của Trường tiểu học Tây Tiến bằng xe chuyên dụng với cung đường còn gian nan hơn. Rồi đến điểm trường ở Cánh Cộng, Ca Giáng, Tà Cóm, nhóm phải đi đò trên sông Mã, len giữa những thung lũng đẹp như tranh mới đến được nơi bọn trẻ chờ sẵn.

Từ Đà Nẵng, bảy thành viên nhóm Nụ cười hồng đã bay ra Hà Nội, rồi cả ngày trời ngồi xe mang theo 700 chiếc áo ấm, găng tay, bánh kẹo vận động được lên với trẻ con ở các điểm trường tiểu học và mầm non xã Y Tý, Pa Cheo (huyện Bát Xát, Lào Cai). 

Trở về từ cái lạnh thấu xương, trưởng nhóm Hồ Hoàng Liêm gọi đó là chuyến đi "điên rồ" vì khá mạo hiểm, đầy trắc trở nhưng vô cùng ý nghĩa.

Đường vào các điểm trường có đoạn chỉ rộng hơn nửa mét, chênh vênh bên vách núi, trời lạnh 1-2 độ, bốn bề sương mù. Nhóm đã dùng xe máy, chạy chầm chậm, đạp phanh liên tục để có thể vào các thôn bản xa trung tâm Y Tý, vậy mà có đoạn trượt ngã úp mặt, may chỉ sây sát nhẹ. 

"Biết Y Tý xa xôi, địa hình không dễ vào nhưng nhóm tụi mình đa số trẻ nên ưu tiên đến nơi xa ấy", anh Liêm lý giải.

Cõng áo ấm lên non cho trẻ - Ảnh 3.

Nhóm Nụ cười hồng từ Đà Nẵng mang áo ấm ra cho trẻ vùng cao Tây Bắc - Ảnh: THU HIỀN

Vòng về cao nguyên

Anh Phạm Quốc Huy - chủ nhiệm Câu lạc bộ từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam (Đà Nẵng) - kể các bạn vừa kết thúc hành trình nửa tháng rong ruổi dọc 10 tỉnh, thành, đem 6.500 áo ấm làm quà cho trẻ miền Trung và Tây Nguyên cùng dự án "Nụ cười nhân ái". 

Mỗi ngày, các bạn di chuyển gần tám tiếng trên xe khách, rồi thêm hàng giờ mới đến tận điểm tặng áo ấm. "Nhiều đoạn đường sình lầy, té xe, mệt nhoài nhưng được tự tay khoác chiếc áo ấm cho những đứa trẻ, hạnh phúc và ấm áp vô cùng", anh Huy nói.

Còn anh Nguyễn Bình Nam cùng các cộng sự ở Đà Nẵng mấy ngày này tất bật điều phối các xe hàng đầy ắp áo ấm đi khắp nơi. Kế hoạch đến bất ngờ, một ngày đầu đông, anh Nam nhận được tin của các thầy cô vùng núi kể học sinh trên đấy đang rét mà áo ấm cũ và rách rồi.

Sau mấy ngày kêu gọi, anh Nam cùng các bạn xin được gần 1.300 áo ấm (khoảng 90 triệu đồng) làm quà cho trẻ các điểm trường ở Trà Phong (Quảng Ngãi); Trăng - Tà Puồng (Hướng Hóa, Quảng Trị); Trà Dơn, Trà Nam, Trà Tập, Tắk Tố, Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam).

"Mình gọi cho thầy cô hỏi tình hình, ba trường cần tầm 500 cái. Mình đăng thông tin lên trang cá nhân và có mấy trường khác đề nghị hỗ trợ, con số lên đến 1.274 áo cho bảy điểm trường. Mình giữa thành phố còn lạnh căm thế này, trên núi các em lạnh biết chừng nào, cứ thế mình xin thôi", anh Nam cười.

Trong khi đó, nhóm từ thiện Fly to sky (Trung tâm tình nguyện quốc gia, Trung ương Đoàn) phối hợp cùng chi đoàn TTXVN khu vực Tây Nguyên và Công an xã Ia Mơ hoàn thành chương trình "Đông ấm - Ấm lòng biên giới" tại xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông (Gia Lai). 600 áo ấm, 500 cái chăn và 140 áo thun mới cùng một số phần quà khác đã đến tay thiếu nhi và người dân khó khăn của xã.

Hay nhóm thiện nguyện Cơm từ thiện Pleiku đã mang "Đông ấm" đến làng Kol, xã Trang, huyện Đăk Đoa (Gia Lai). Chuyến đi không chỉ có áo ấm mà còn giày dép, mền, quà được đám trẻ con đón nhận trong niềm vui sướng. 

Chị Lý Thị Hồng Trị (chủ nhiệm nhóm) nói những nếp nhà sàn đơn sơ dường như ấm hơn bởi đó không chỉ quà mà chất chứa bao tấm lòng sẻ chia của mọi người đến với những cảnh đời còn thiếu thốn giữa đại ngàn.

Cho trẻ được chơi

Những điểm trường vùng cao, biên giới xa xôi, trẻ cũng ít có cơ hội được tham gia các trò chơi. Thế nên vừa nhận quà, vừa được các anh chị lắp đặt khu vui chơi với chiếc cầu tuột, vài chiếc xích đu, thú nhún, cầu bập bênh... nhưng trẻ con ở bản Lìn, Mường Lát (Thanh Hóa) hớn hở chạy tung tăng, tranh nhau chơi, vô tư cười đùa trong cái rét cầm cập. Ngoài áo ấm, những phần bánh kẹo mang theo làm quà vậy mà khiến đám trẻ cười tít mắt.

Người "đem cho" đã được nhận lại

Nhiều dấu ấn khó quên với Phạm Thị Xuân (nhóm G9 - Vì nụ cười trẻ thơ) nhưng nhớ nhất chắc là lần đầu tiên biết đến lớp học có tới hai cái bảng để một cô dạy hai khối khác nhau mà cả lớp chỉ có... 5 học sinh.

Nhóm Nụ cười hồng vào đến nơi, ai nấy run cầm cập, tay chân đỏ tấy vì lạnh, bà con liền đốt lửa sưởi ấm làm cả nhóm xúc động lắm. "Nhiệt độ đêm xuống âm, nhìn những đứa trẻ run cầm cập, thân hình nhỏ bé trong chiếc áo ấm phong phanh đã cũ và rách, thấy thương quá", anh Liêm bồi hồi.

Cô Tống Minh Thu - giáo viên điểm trường mầm non thôn Sín Chải, xã Y Tý - nói xã biên giới xa xôi, đường vào hiểm trở nên ít nhóm thiện nguyện vào tận các thôn bản. Hai năm dịch COVID-19, các nhóm thiện nguyện vơi dần nên không chỉ áo ấm mà chăn mền, lớp xốp trải sàn ở trường học cũng đã cũ và hỏng.

"Đường xa và nguy hiểm vậy mà nhóm đến tận nơi tặng áo ấm cho các cháu, chúng tôi rất xúc động. Học sinh và giáo viên cắm bản như tôi như được tiếp thêm niềm tin", cô Thu chia sẻ.

Nguồn: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay938
  • Tháng hiện tại38,070
  • Tổng lượt truy cập1,315,820
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây