Anh Đoàn Minh Thông (sinh năm 1990, làm việc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) xác nhận, anh chính là chủ nhân của đoạn video nói trên. Anh chia sẻ, ông cụ trong clip tên Liêm, năm nay 77 tuổi. Ông thường chụp ảnh, đứng ở Diamond Plaza (Q.1) để chụp hình Noel mấy ngày nay.
"Mình làm nghề chụp ảnh, nên chú Liêm là tiền bối. Mình may mắn tiếp cận được với công nghệ nên công việc ổn định hơn. Mình thấy chú làm việc mỗi ngày vất vả chụp ảnh cho nhiều người nên muốn tặng chú bộ ảnh kỷ niệm, chụp chung với người bạn của chú là chiếc máy ảnh. Mình mong muốn qua bộ ảnh nhiều bạn trẻ biết đến chú nhiều hơn và ủng hộ chú nếu có dịp gặp", anh nói.
Trước đó, Thông đã mời rất nhiều chú chụp ảnh dạo ở quận 1, nhưng đa số đều từ chối. Sau khi bị 7-8 lần, anh mới gặp được chú Liêm. Anh nhờ chú chụp giúp một tấm ảnh rồi đề nghị tặng lại chú bộ ảnh. Nghe vậy, ông cụ tỏ ra vui, cảm động. Cụ chia sẻ lý do nhận lời là "cả đời chú toàn chụp ảnh cho người khác, không khi nào có ngày lại có người chụp cho mình".
Sáng 20-12, anh và bạn bè bất ngờ khi thấy chú đến tiệm. "Chú quá dễ thương, yêu đời và rất tích cực với cuộc sống. Suốt buổi chụp, chưa bao giờ chú kể khổ hay than thở về hoàn cảnh. Chú lúc nào cũng nở nụ cười.
Chú xem chiếc máy ảnh như người bạn đồng hành mỗi ngày. Chú còn chia sẻ, khi nào chú chống gậy, đi không được thì chú mới buông cái máy. Điều này khiến tụi mình được truyền cảm hứng nhiều lắm", anh kể tiếp.
Anh nhớ lại, ông cụ có tật ở chân nên khá rụt rè, sợ làm phiền êkip, nhưng cực kỳ tình cảm. Ông thường bảo: "Kiểu gì chú không làm được, các cháu đừng có buồn chú nha" khiến những chàng trai trẻ xúc động.
Qua bộ ảnh này, Thông muốn gửi gắm rằng, hiện nay công nghệ phát triển, bạn có thể chụp ảnh bằng điện thoại rất dễ dàng, nhưng đừng quên có những thứ thuộc về ký ức. Mỗi tấm ảnh chụp cho những ông cụ không bao nhiêu tiền, nhưng bạn đang góp phần cho chú một kỷ niệm đẹp, gìn giữ được những nghề nghiệp sắp không còn nữa trong thời gian sắp tới.
Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, cụ Lê Quang Liêm (sinh năm 1945, Q.Bình Thạnh) chia sẻ, từ ngày đoạn clip và hình ảnh trên được lan tỏa trên mạng xã hội, ông được nhiều khách thương, đến ủng hộ. Nhiều bạn trẻ không chụp vì có điện thoại nhưng vẫn đến hỏi thăm, cho ông tiền mua nước. Ông xúc động lắm.
Ông chia sẻ, ông bắt đầu đến với nghề nhiếp ảnh từ năm 1970. Trước đó, ông cụ chụp ở Thảo cầm viên Sài Gòn. Sau đó, ông chụp tại Dinh Độc Lập, chụp dạo. Lễ, Tết hay những ngày tốt nghiệp của các trường, ông đều có mặt do nghe ngóng thông tin.
"Tôi đam mê chụp ảnh lắm. Thi thoảng, tôi cũng tủi thân chứ vì mọi người không ai cần chụp ảnh. Nhưng nghề chọn mình thì mình vẫn phải sống với nghề thôi.
Đây là nghề được trời phú giúp tôi sống và nuôi 6 người con. Nay con lớn nên đỡ thân già. Ngày nào không thể đi được, tôi mới chịu ngừng làm việc, cất máy ảnh vô tủ búp phê để giữ kỷ niệm. Có ông Ba Lê, trước chụp ở dinh với tôi, 83 tuổi mà vẫn chụp ảnh đến hơi thở cuối cùng, tôi thần tượng lắm nên cũng muốn giống được như ông", ông nói.
nguồn: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc