Hơn ba năm qua, chiếc xe cứu thương đã vận chuyển miễn phí 24/24h hàng trăm bệnh nhân nghèo về khắp các tỉnh thành.
Dù chẳng biết tên của người phụ nữ đã giúp đỡ mình trong lúc ngặt nghèo nhưng nhiều bệnh nhân vẫn lưu số điện thoại "đường dây nóng" để giới thiệu cho những ai cần đến.
Hai năm sau chuyến xe cứu thương từ Viện Bỏng quốc gia về đến Nam Định, dù không biết tên họ của người đã giúp mình nhưng ông Trần Quang Định (50 tuổi) vẫn còn lưu giữ số điện thoại "đường dây nóng" ngày ấy đã tận tình đưa ông về đến quê nhà. "Từ hồi đó đến nay ân tình người hiền nhớ mãi" - ông xúc động nói.
Sau tai nạn rơi từ trên cao, đằng đẵng 24 năm trời ông Định chỉ nằm liệt một chỗ, vết thương lở loét khắp người. Gia cảnh khó khăn, nếu không có bà Phan Thị Bính giúp đỡ chở xe cứu thương miễn phí thì gia đình ông không biết phải xoay trở ra sao.
"Người hiền nhớ mãi"
Bà Phan Thị Bính (66 tuổi, ở Hà Nội) - "người hiền" trong câu chuyện ông Định nhắc đến - nở nụ cười đôn hậu, ánh mắt lấp lánh niềm thương chia sẻ về nỗi trăn trở đã theo bà bấy lâu: "Nếu mình có xe chở bệnh nhân miễn phí giúp cho họ về nhà thì hay quá".
Nghĩ là làm, bà Bính khăn gói vào An Giang học tập mô hình lái xe cứu thương. Ở mảnh đất này, có rất nhiều mô hình thiện nguyện ý nghĩa như xe cứu thương, phát cơm cháo, xây cầu, xây nhà tình thương, nhà thuốc miễn phí… Suốt hai năm, bà bay ra bay vào giữa hai miền Nam - Bắc để học tập kinh nghiệm làm từ thiện.
Cuối năm 2018, bà bàn với con gái bán miếng đất ở Cam Ranh để lấy tiền mua xe, khởi xướng mô hình lái xe cứu thương miễn phí vận chuyển người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Hơn ba năm qua, chiếc xe cứu thương của bà Bính cùng với sự đồng hành của khoảng chục tình nguyện viên như anh Ba Be, anh Vũ, chú Khẩn… đã lăn bánh đưa hàng trăm bệnh nhân về quê nhà khắp dải đất hình chữ S.
"Các trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn hoặc người qua đời, dù đưa về bất kể tỉnh nào chúng tôi cũng tiếp nhận hoàn toàn miễn phí. Xe của chúng tôi chủ yếu toàn chở người không có tiền thôi", bà Bính chia sẻ về "điều kiện" để được hỗ trợ xe cứu thương.
Mới đầu bà đăng tải thông tin trên mạng xã hội, về sau bà liên hệ phòng công tác xã hội ở các bệnh viện và gửi lại số điện thoại để người bệnh biết đến. Bà Bính nhớ mãi cuộc điện thoại của người con trai vừa khóc vừa cầu cứu: "Cô ơi giúp chúng cháu với, nhà cháu ở Cao Bằng mà con chỉ có 3 triệu đồng. Bố cháu sắp chết rồi, bố ở viện chắc không về kịp nhà".
Đến đón hai cha con, bà chẳng thể quên được ánh mắt của người cha cố gắng ngước nhìn như muốn nói lời cảm ơn mà không thể nói. Xe mới rời thành phố được một lúc thì người cha ra đi.
Có lần bệnh tình của bà trở nặng, nghiêng người lấy điện thoại cũng đau nhức, nhưng có trường hợp gọi điện đến nhờ giúp đỡ đưa một cháu bé vừa qua đời về huyện Mèo Vạc (Hà Giang), bà nén cơn đau gọi liên tục cho các tình nguyện viên lái xe nhờ hỗ trợ.
Đường núi mưa mù, chiếc xe cứu thương bắt đầu lăn bánh từ 8h30 mà đến 3h sáng hôm sau mới đưa được em bé về đến nhà.
"Có lẽ đây là số phận của mình, nằm trên giường cũng nghĩ ngày mai phải làm gì, tỉnh dậy lúc nào là làm việc trên điện thoại luôn, lo liệu chỗ này chỗ kia cần sự hỗ trợ" - bà bày tỏ.
Làm đến lúc không thở nữa!
Kể từ ngày chồng mất, một mình ở căn phòng nơi bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng bà Bính luôn bận rộn với các cuộc điện thoại gọi đến. Nơi khoảng sân trước căn hộ chung cư, cư dân ở đây đã quen với điểm tập kết quần áo quyên góp cho đồng bào, trẻ em vùng cao.
Gần 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, đợt này khối u di căn vào xương phải truyền hóa chất nhưng bà quả quyết: "Phải làm đến lúc không thở nữa thì thôi".
Dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi hoạt động thiện nguyện phải tạm ngưng, bà nghĩ: "Xe của mình để đây như đống sắt thì phí quá, không biết thành phố có đang cần xe không?". Nghĩ vậy, bà gọi ngay lên thành phố để đề xuất ý tưởng. Ngay lập tức, chiếc xe cứu thương của bà Bính được trưng dụng cho Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai vận chuyển người đi cách ly.
Khi "cuộc chiến" COVID-19 lan rộng khắp các tỉnh miền Nam, những chuyến xe chở hàng tấn rau củ quả cũng đã lên đường tiếp sức cho miền Nam chống dịch.
Không dừng lại ở xe cứu thương, nhóm từ thiện Từ Tâm của bà Bính còn đỏ lửa nấu cơm, nấu cháo phát cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bà còn phối hợp với bệnh viện tổ chức chương trình mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân đục thủy tinh thể, đến nay đã có gần 400 ca được mổ mắt miễn phí.
Với những việc làm tử tế giúp ích cho đời, bà Phan Thị Bính vinh dự là 1 trong 9 công dân nhận danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2021 do thành phố Hà Nội trao tặng.
Nhận số tiền thưởng thành phố trao tặng là 18,7 triệu đồng, cùng với 3 triệu đồng của các thành viên trong nhóm ủng hộ, bà Bính lại bỏ thêm tiền túi cho tròn con số 25 triệu đồng để mua rau củ quả ủng hộ khu cách ly, vừa trích kinh phí để làm công tác chuẩn bị mở nhà thuốc đông y miễn phí.
"Người ta hỏi tôi làm mấy chục năm, nếu có vài tỉ đồng chắc làm xong cũng hết, lấy tiền đâu ra để làm tiếp? Tôi bảo chắc Trời, Phật thương cho mình. Giờ tôi chỉ cầu xin Trời, Phật có ba tâm nguyện là mở được nhà thuốc đông y khám chữa bệnh miễn phí, mở viện dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Xong ba tâm nguyện đó, nếu tôi có ra đi cũng an lòng" - bà Phan Thị Bính tâm niệm.
Biết đến việc làm của bà Bính, chị Vũ Vân Anh (giảng viên ở Hà Nội) cùng hai con gái Thanh Bình, Linh Đan quyết tâm đồng hành cùng bà trên mỗi chuyến thiện nguyện.
"Mọi người thường gọi cô là "Phật sống giữa đời", tôi trân trọng và mong muốn cùng các con tham gia công tác thiện nguyện để góp phần sẻ chia, giúp ích cho xã hội. Cô là người có tâm, sẵn sàng dốc hết tâm sức, kể cả tiền bạc giúp đỡ mọi người", chị Vân Anh chia sẻ.
Khâm phục tấm lòng nhân hậu của bà Bính, em Linh Đan (học sinh lớp 6) chia sẻ: "Con học được ở bà sự đồng cảm, sẻ chia, lòng tốt bụng giúp đỡ người khác. Nếu con gặp người vô gia cư trên trường, con sẽ giúp họ. Con thấy vui, hạnh phúc vì mình được cùng bà Bính giúp đỡ mọi người".
theo tuoitre.vnÝ kiến bạn đọc