Gần 2 năm nay, phong trào trồng bông thiên lý đang phát triển rất mạnh ở xã Hòa Hiệp (Tân Biên). Trong đó, Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp đã đóng vai trò quyết định và tạo nên sự thành công. Từ bông thiên lý đã giúp cho không ít gia đình thanh niên ở đây nên cửa nên nhà và có cuộc sống ổn định. Không những vậy, Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp còn kéo đoàn viên, thanh niên đến với nhau nhiều hơn và giúp cho những buổi sinh hoạt Đoàn trở nên sinh động, thiết thực hơn.
Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp được thành lập vào tháng 4.2015 chỉ với 5 thành viên. Để tạo điều kiện cho các tổ viên sản xuất, Xã đoàn Hòa Hiệp đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho mỗi tổ viên vay số tiền 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Xã đoàn Hòa Hiệp còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tân Biên mở lớp Tập huấn Kỹ năng chăm sóc và rồng bông thiên lý cho 40 đoàn viên, thanh niên trong xã. Sau khi tập huấn xong, các tổ viên liền triển khai làm giàn và trồng dây thiên lý. Bình quân, mỗi tổ viên dành từ 1 công đất đến 3 công đất để trồng bông thiên lý. Trong quá trình trồng, Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp còn giúp các tổ viên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc thiên lý, giúp nhau về ngày công và tìm đầu ra cho nông sản. Nhờ vậy mà việc trồng, chăm sóc và thu hoạch bông thiên lý của Tổ luôn đạt hiệu quả cao. Qua đó đã tạo điều kiện và niềm tin cho các thanh niên khác mạnh dạn đầu tư vào trồng thiên lý. Như trường hợp của anh Huỳnh Hạnh Phúc, 35 tuổi là một điển hình. Trước đây, anh Phúc sống bằng nghề làm rẫy. Năm 2015, khi Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp ra đời thì anh Phúc đã tình nguyện tham gia vào tổ. Sau đó anh được vay 20 triệu đồng để làm giàn và mua dây thiên lý giống. Lúc đầu anh Phúc dành ra 1,5 công đất để trồng thiên lý lấy bông. Chỉ 6 tháng sau thì thiên lý ra bông và cho thu hoạch. Trong năm đầu tiên, anh Phúc đã bán bông và thu về được 230 triệu đồng. Trừ toàn bộ chi phí, anh Phúc vẫn còn lãi 100 triệu đồng. Sang năm 2016, anh Phúc trồng lứa mới và tăng diện tích trồng lên 2 công đất. Với giá hiện nay là 100 ngàn đồng/kg bông thiên lý, người trồng thiên lý đang rất phấn khởi và tin tưởng vào một vụ mùa được giá, bội thu. Nói chuyện với tôi, anh Phúc bảo: “Thiên lý là một loại dây chiếm diện tích đất trồng ít, nhẹ công chăm sóc, nhưng lại cho lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, điều mà người trồng thiên lý ngại nhất là bọ trĩ hút đọt làm cho dây thiên lý không phát triển được”. Còn anh Trương Văn Mạc, 33 tuổi cũng là một người được hưởng lợi từ mô hình Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp. Năm 2016, sau khi được vay 20 triệu đồng, anh Mạc liền đầu tư vào trồng 3 công thiên lý. Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăm sóc và trồng thiên lý nên thiên lý của anh Mạc phát triển rất tốt. Hiện tại, thiên lý của gia đình anh Mạc đang vào vụ thu hoạch. Cứ cách 3 ngày thì anh Mạc thu hoạch một lần. Mỗi đợt thu hoạch anh Mạc được 25 kg bông. Với giá hiện nay là 100 ngàn đồng/kg, anh Mạc đã thu về số tiền 2,5 triệu đồng. Gặp tôi, anh Mạc phấn khởi tâm sự: “Nghề trồng bông thiên lý này hứa hẹn sẽ cho gia đình tôi một cuộc sống ấm no và ổn định”. Sau gần 2 năm Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp ra mắt và làm ăn hiệu quả, đến nay số lượng tổ viên đã tăng lên thành 8 người. Chỉ tính riêng trong năm 2016 này, tổng thu nhập của các tổ viên trong Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý xã Hòa Hiệp là 360 triệu đồng. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, các thành viên trong tổ đã thu về lợi nhuận là 140 triệu đồng.
Anh Phúc đang thu hoạch bông thiên lý
Đánh giá về mô hình Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý, anh Lê Xuân Hồng, Bí thư Xã đoàn Hòa Hiệp cho biết: “Từ thành công của mô hình Tổ Hợp tác thanh niên trồng bông thiên lý, tới đây chúng tôi dự định sẽ phát triển số lượng tổ viên lên thành 13 người. Ngoài ra, chúng tôi còn dự định sẽ thành lập thêm một Tổ Hợp tác thanh niên chăn nuôi bò sinh sản và heo rừng với khoảng 5 tổ viên ban đầu. Bởi mô hình này rất phù hợp với điều kiện thức ăn, thổ nhưỡng và môi trường ở địa phương”.
HT
Ý kiến bạn đọc