Chương trình hành động được xác lập gồm 8 chương trình, 55 nhóm nội dung, giải pháp và 13 chỉ tiêu, bám sát và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, tầm nhìn đã được Đại hội Đảng toàn quốc xác định, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp bộ Đoàn trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng yêu cầu Chương trình hành động phải được hiểu, nhận thức, triển khai một cách nghiêm túc đúng như trong phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý Đoàn các cấp thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng khi xây dựng chơng trình hành động của mình để thực sự phù hợp với địa phương, đơn vị và nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu nhi. “Tránh tư tưởng dễ làm, khó bỏ, ngại tiếp cận cái mới. Chúng ta là những người trẻ, có tinh thần tiến công, không thấy khó mà bỏ, không thấy mới mà ngại. Ngược lại, khi phát hiện được vấn đề mới, khó phải chọn được việc phù hợp cụ thể, đề ra phương thức, cách làm giải quyết hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn yêu cầu tổ chức Đoàn các cấp tích cực tham vấn, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, sở, ban, ngành các cấp để thiết kế chương trình hành động đúng, trúng, có tính khả thi cao.
“Chúng ta tiếp tục học tập, nghiên cứu, tuyên truyền Nghị quyết ĐH XIII của Đảng và khẩn trương xây dựng chương trình hành động ở các cấp để sớm đưa Nghị quyết ĐH XIII của Đảng vào cuộc sống; qua đó, sớm cụ thể hóa đóng góp của người trẻ, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức thanh niên Việt Nam vào vào sự phát triển chung của đất nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu 2030, tầm nhìn, khát vọng 2045”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có một số điểm mới, nổi bật:
Thứ nhất, Chương trình hành động được xây dựng bám theo 6 quan điểm chỉ đạo, 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030, đặc biệt là 6 trọng tâm, 3 đột phá để xác lập thành 8 chương trình của Đoàn, thay vì xây dựng theo các mặt công tác lớn của Đoàn như trước đây. Việc tiếp cận, xây dựng Chương trình hành động theo phương thức mới giúp các giải pháp của Đoàn bám sát hơn vào các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong thời gian tới, qua đó có thể đánh giá rõ nét vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.
Thứ hai, các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp trong Chương trình hành động thể hiện tinh thần tiến công và tính hành động rất cao. Các chỉ tiêu đều cao hơn chỉ tiêu trung bình mà Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã xác lập. Các nội dung, giải pháp trong từng chương trình rất rõ nét, cụ thể, có phân công nhiệm vụ cho từng ban, đơn vị của Trung ương Đoàn tham mưu theo dõi, đôn đốc, cụ thể hóa và các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc triển khai thực hiện.
Thứ ba, Chương trình hành động xác lập các giải pháp cụ thể, riêng biệt đối với từng đối tượng thanh thiếu nhi. Thông qua đó, tạo môi trường phù hợp để từng đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Thứ tư, Chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết xác lập nhiều nội dung, giải pháp, chỉ tiêu, hoạt động mới gắn với các nội dung trọng yếu được Đại hội XIII của Đảng quyết định, cụ thể: - Một số chỉ tiêu mới lần đầu tiên được xác lập để triển khai thực hiện như: Chỉ tiêu “Hằng năm, hỗ trợ triển khai, hiện thực hóa 50.000 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên”; chỉ tiêu “100% các tỉnh thành đoàn, đoàn trực thuộc hằng năm có hoạt động nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho thanh thiếu nhi cấp tỉnh”. - Các thành tố trong chương trình hành động có một số điểm mới, đáng chú ý: (1) Nêu khát vọng phát triển đất nước; (2) bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ; phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ; thúc đẩy học tập và sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin; (4) Tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số; (4) tham gia xây dựng xã hội phát triển bền vững; (5) đổi mới tổ chức bộ máy. - Một số giải pháp mới cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết:
+ Trong Chương trình 1 về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”: Xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ… Phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội tham gia công tác giáo dục đạo đức, lối sống và định hướng giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.
+ Trong Chương trình 2 về “Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ; phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ; thúc đẩy học tập và sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin; tiên phong trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số”: Triển khai hiệu quả chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” và phối hợp hiện thực hóa, thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo của thanh niên. Khuyến khích thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại. Phát triển các câu lạc bộ, các cuộc thi, ngày hội, sinh hoạt đội, nhóm về công nghệ số, chuyển đổi số, thực hành công nghệ số trong thanh thiếu nhi. Nâng cao năng lực số cho thanh niên, tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thanh niên; chuyển đổi số trong hoạt động của Đoàn, Hội, Đội.
+ Trong Chương trình 3 về “Tham gia phát triển xã hội bền vững; bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”: Xây dựng, nhân rộng các mô hình, công trình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng; xây dựng nhà tránh lũ và các công trình trình bể chứa nước tại một số khu vực. Thành lập các đội thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
+ Trong Chương trình 4 về “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên về đảm bảo quốc phòng, an ninh; xung kích tham gia bảo vệ Tổ quốc”: Nâng cao hiểu biết, nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đảm nhận thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, các chương trình, đề án tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng để thanh niên tự phòng ngừa và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, an toàn thông tin, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa trên không gian mạng.
+ Trong Chương trình 5 về "Chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng”: Đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống… phù hợp với từng nhóm tuổi thiếu nhi. Triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, trải nghiệm sáng tạo cho thiếu nhi. Phối hợp xây dựng, ban hành, hướng dẫn tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trẻ em và tham gia giải quyết, xử lý, lên tiếng trước các hành vi xâm hại trẻ em và các vụ việc liên quan đến trẻ em.
+ Trong Chương trình 6 về “Nâng cao hiệu quả công tác quốc tế thanh niên; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”: Thúc đẩy hợp tác quốc tế thanh niên trên các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của thanh niên như lập nghiệp, phát triển kỹ năng, đổi mới sáng tạo, tình nguyện, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuyên truyền, thông tin tới thanh niên về các vấn đề toàn cầu, những vấn đề trên thế giới thanh niên quan tâm với hình thức phù hợp. Phối hợp tổ chức các hình thức thúc đẩy việc học ngoại ngữ trên không gian mạng cho thanh thiếu nhi. Tập huấn, nâng cao kỹ năng đối ngoại thanh niên cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội. Củng cố, kết nối, định hướng hoạt động cho các tổ chức Đoàn, Hội ngoài nước và giao lưu, kết nối với các du học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam. Khai thác các dự án, nguồn lực phục vụ cho phong trào thanh thiếu nhi.
- Trong Chương trình 7 về “Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên; xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh”: Đẩy mạnh việc kết nối, thu hút thanh niên trên không gian mạng; phát triển các nền tảng ứng dụng, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tạo thành hệ không gian sinh hoạt phù hợp với thanh niên. Tổ chức các hoạt động tập hợp, hỗ trợ, xây dựng lực lượng cốt cán trong một số đối tượng thanh niên tại khu vực, địa bàn đặc thù. Tập trung phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm theo ngành nghề, sở thích, củng cố tổ chức, chấn chỉnh hoạt động Hội cấp huyện, cấp cơ sở. Nghiên cứu đề xuất phương án đổi mới tổ chức, bộ máy của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam phù hợp với tình hình mới.
- Trong Chương trình 8 về "Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ; tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham vấn chính sách": Kịp thời theo dõi, thống kê, có giải pháp phù hợp hằng năm để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng và số lượng đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên ưu tú. Tham mưu cấp ủy đảng tổ chức đối thoại với đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú. Tham mưu tổ chức tuyển dụng, thu hút sinh viên giỏi, xuất sắc, tài năng trẻ vào các vị trí phù hợp trong hệ thống tổ chức Đoàn. Nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Quy chế cán bộ đoàn. Tăng cường việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật với thanh niên; thực hiện giám sát theo chuyên đề hằng năm.
Châu Minh
Ý kiến bạn đọc