Một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ... các ca nhiễm mới bùng lên trong cộng đồng, số ca tử vong tăng lên và gây nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, số ca nhiễm gia tăng kể từ cuối tháng 7 và môt số ca đã tử vong. Đó cũng là lúc Việt Nam bước vào cuộc chiến chống COVID-19 mới. Tuy nhiên, các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng “nước đục thả câu”, tìm cách vu khống tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, lấy cớ miệt thị chính quyền, đả phá chế độ. Các đối tượng sử dụng chiêu bài xuyên tạc thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng lái dư luận theo mưu đồ mà chúng đã sắp đặt. Hoạt động của số này vẫn thông qua hình thức đăng tải các tin, bài viết, bình luận, chia sẻ, tán phát các video, tài liệu... trên Internet.
Lợi dụng “khoảng trống thông tin”
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các kênh truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định vai trò tuyên truyền, cung cấp thông tin cùng nhân dân cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự phức tạp của tình hình tại các “ổ dịch” lớn, cùng với nhiều yếu tố mang tính chủ quan, khách quan dẫn đến các nguồn thông tin còn có độ trễ nhất định. Đó là lúc các đối tượng phản động, chống đối chớp thời cơ, tuyên truyền thông tin sai sự thật, công kích công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh. Lợi dụng “khoảng trống thông tin” khi các kênh truyền thông chính thức nhà nước chưa đưa tin, các đối tượng chống đối đã triệt để tận dụng bằng những thông tin sai sự thật, lồng ghép những ý đồ, bịa đặt về tình hình dịch bệnh diễn ra tại Việt Nam nhằm gây nên sự hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Với sự bịa đặt, gán ghép thông tin, chúng đã đưa ra các kịch bản làm cho cộng đồng mạng mất phương hướng, thậm chí có những người còn a dua, phụ họa thêm cho các hành vi sai trái đó. Thủ đoạn gán ghép, quy chụp Vẫn với phương thức “bình cũ, rượu mới”, số đối tượng phản động, chống đối đưa tin về tình hình dịch bệnh theo lối nửa tin, nửa ngờ để phục vụ âm mưu, ý đồ chống phá Nhà nước. Một số website, fanpage facebook, blogspot của tổ chức khủng bố “Việt Tân”; một số nhóm chống đối “Nhật ký yêu nước”; “Thanh niên Công giáo”; “Dân luận”... đăng tải thông tin bịa đặt về dịch bệnh ở Việt Nam. Trang “Việt Tân” đăng tải thông tin cho rằng người Trung Quốc liên tục vượt biên trái phép sang Việt Nam, đã lái vấn đề theo hướng: “Dư luận đặt nghi vấn, sự việc người Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam bất hợp pháp là việc rất nghiêm trọng và đã bắt đầu xảy ra từ đầu năm, có nghĩa là trong thời điểm đại dịch Vũ Hán đang bùng phát tại Trung Quốc mà cho đến giờ này mới báo cáo... Cho đến giờ này, chưa thấy nhà nước CSVN có những biện pháp cụ thể nào rõ ràng để ngăn chặn người Trung Quốc trốn sang Việt Nam”. Đó là cách tổ chức khủng bố “Việt Tân” hướng lái nhằm vu cáo Nhà nước Việt Nam trong việc kiểm soát người nhập cảnh, kiểm soát tình hình dịch COVID-19. Thực tế, thời gian qua, tất cả các lực lượng chức năng đã nỗ lực để kiểm soát các đường mòn, lối mở, kiểm soát các hoạt động xuất, nhập cảnh, kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, tiến hành phân luồng, cách ly người nhập cảnh 14 ngày theo quy định. Việc một số đối tượng, nhóm người nhập cảnh trái phép, cơ quan chức năng đã rà soát, xử lý và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chứ không phải phớt lờ, bỏ mặc như thông tin các đối tượng tung ra. Trang fanpage “Thanh niên Công giáo” (giả mạo đại diện Người Công giáo) đăng tải thông tin sai sự thật, công kích, hạ bệ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Các đối tượng phản động, chống đối sử dụng các trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài; khai thác các tính năng bình luận, chia sẻ, livestream; thăm dò ý kiến dư luận qua mạng xã hội; tạo các bài viết mang tính giật gân, gây sốc để thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận. Bằng nhiều cách, các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xảy ra tại Việt Nam để vu cáo với các luận điệu: Việt Nam thiếu minh bạch trong tình hình dịch bệnh; che giấu số lượng ca nhiễm bệnh, tử vong; lan truyền các tài liệu sai sự thật về dịch bệnh COVID-19...
So sánh khập khiễng để vu cáo
Sau khi xảy ra một số ca tử vong có liên quan COVID-19, nhiều đối tượng đã so sánh với ca bệnh 91 (bệnh nhân người Anh, đã được chữa khỏi), từ đó đặt câu hỏi về “mức độ quan tâm” chữa trị giữa người trong nước và nước ngoài. Mục đích hòng đánh lận sự thật, cho rằng ca bệnh khó như 91 còn chữa được, tại sao lại để một số ca bệnh trong nước tử vong. Đây là kiểu so sánh rất khập khiễng, đánh vào tâm lý người đọc, nếu thiếu tỉnh táo sẽ bị dẫn dắt theo ý đồ chống phá của kẻ xấu. Một mặt, xung quanh vấn đề này, nhiều đối tượng cơ hội chính trị, các đối tượng giả mác dân chủ, những thành phần định kiến, chống đối chế độ đã bộc lộ rõ sự ích kỷ, thù hằn cá nhân với xã hội đã khiến họ “hả hê” khi số liệu thống kê về ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tăng lên. Điều đó đã chứng tỏ họ chờ đợi để được đếm từng con số người tử vong, lấy làm vui khi các ca mắc bệnh tăng nhanh chóng, từ đó xuyên tạc, chế giễu, mỉa mai chế độ. Nổi lên trong số đó là đối tượng H.V.H (H là đối tượng chống đối cực đoan và đã từng bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt 4 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”), đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để tán phát những nội dung xuyên tạc, gây sự hoài nghi về những nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ trong việc cứu chữa các bệnh nhân mắc COVID-19. H.V.H đánh lận vấn đề: “ca phi công người Anh còn đòi ghép phổi vì phổi đông đặc, nhưng đùng 1 cái bệnh nhân này ra viện và về Anh không kèn, không trống. Rồi bệnh nhân già Thụy Sỹ cũng ung thư sao điều trị hết và về nước an toàn?”. Nhằm đánh lạc hướng dư luận, thu hút sự chú ý, H đã miệt thị rằng: “Với tình hình này của thông tin về SARS CoV-2 thì tôi cũng phải chào thua về mọi thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam”. Thực tế, việc so sánh như vậy là kiểu quy chụp, đánh lận rất lố bịch. Ngay cả những người không giỏi về y học cũng hiểu rằng, phi công người Anh mới chỉ mới 43 tuổi, bệnh lý nền là béo phì. Là phi công nên trước đó được rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, thể trạng tốt hơn rất nhiều, do đó khả năng hồi phục cao hơn. Trong khi đó, các bệnh nhân tử vong vừa qua đều cao tuổi, bệnh lý nền là đái tháo đường, suy thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim diễn tiến nặng… Liên quan đến các ca tử vong, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bệnh nhân COVID-19 diễn biến rất nặng, có nhiều bệnh mạn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày. “Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm COVID-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mạn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và rất nặng” - PGS Khuê phân tích. Theo đó, có thể thấy rằng các bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong là do các biến chứng trên nền bệnh lý rất nặng, hiểm nghèo. Xét dưới góc độ chuyên môn về y học, những đối tượng như H.V.H không phải là không hiểu vấn đề. Tuy nhiên, họ đã cố tình lập lờ đánh lận, điều này đã chứng tỏ bản chất chống phá chế độ, cố tình suy diễn, đánh lạc hướng dư luận. Với những ai nếu cảm thấy Việt Nam chống dịch COVID-19 chưa đủ tốt thì hãy xung phong tới tuyến đầu như Đà Nẵng để được chứng kiến những nhọc nhằn, vất vả của đội ngũ y, bác sỹ, đã không quản hiểm nguy, tận tụy cứu chữa các bệnh nhân; những cố gắng phòng dịch của các chiến sĩ Công an, Quân đội... Hãy thể hiện bằng hành động của mình vào công cuộc chống dịch. Đừng vì những đồng tiền nhơ bẩn mà bán rẻ lương tâm, trở thành các “anh hùng bàn phím”, lợi dụng tình hình dịch bệnh bồi bút xuyên tạc, quy chụp, tư duy cực đoan, miệt thị chế độ. Mỗi người hãy thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc có ý thức khi tiếp nhận thông tin, sử dụng mạng xã hội để không lan truyền các thông tin sai trái làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc tham gia vào môi trường mạng xã hội không nên biến mình thành “con rối” để các đối tượng thù địch phản động điều khiển, hướng lái.
nguồn: Tuổi trẻ với pháp luật
Ý kiến bạn đọc