Việc đầu tiên của một bác sĩ là có lòng thương yêu"

Thứ hai - 14/03/2022 19:00 63 0

Việc đầu tiên của một bác sĩ là có lòng thương yêu

Việc đầu tiên của một bác sĩ là có lòng thương yêu"

Hơn 2 tháng xung phong vào Nam cùng bệnh nhân chiến đấu với COVID-19, hoàn thành nhiệm vụ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách trở về tiếp tục với công việc thường nhật.

Việc đầu tiên của một bác sĩ là có lòng thương yêu - Ảnh 1.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, là 1 trong Top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 - Ảnh: D.B.

Thời điểm này Hà Nội là điểm nóng COVID-19, bác sĩ trẻ tiếp tục bước vào cuộc chiến, hỗ trợ tư vấn bệnh nhân F0 vượt qua giai đoạn khó khăn.

"Giây phút có mặt ở TP.HCM, việc đầu tiên mình muốn làm là ngay lập tức tiếp nhận bệnh nhân. Giai đoạn đó, điện thoại lúc nào cũng kêu liên tục, tiếp nhận bệnh nhân từ nặng đến rất nặng" - bác sĩ Đỗ Doãn Bách, 31 tuổi, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, nhớ lại thời điểm cùng bệnh nhân COVID-19 chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử.

Làm mọi thứ để giúp đỡ bệnh nhân

Trong 5 năm công tác ở viện, quãng thời gian xông pha lên đường vào miền Nam chống dịch dù khó khăn nhưng đã giúp những bác sĩ trẻ đúc rút, trau dồi được kinh nghiệm quý báu trong quá trình làm nghề. 

"Ngay khi nhận được lời kêu gọi của bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi xung phong vào miền Nam chống dịch. Nhận cuộc điện thoại vào lúc 5h sáng, đến 8h tôi đã có mặt ở máy bay. Chỉ có 3 giờ đồng hồ gấp rút chuẩn bị đồ đạc, nhưng trước đó tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào" - bác sĩ Bách nhớ lại.

Ngay khi Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động, bác sĩ Bách cùng đồng nghiệp bước vào cuộc chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân. Với quy mô 500 giường, thời điểm đó mỗi một bác sĩ phải phụ trách điều trị cho 20 bệnh nhân thở máy, chia thành "3 ca 4 kíp". 

Trong cuộc chiến đấu với COVID-19, bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bác sĩ Bách là một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy. Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.

"Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau qua Zalo. 

Được gặp chồng và con gái đầu lòng, chị như bừng tỉnh, cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng COVID-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sĩ. Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là một trong những nguồn động viên rất lớn với người bệnh" - bác sĩ Bách kể.

Suốt 2 tháng chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Bách đã chứng kiến không ít những trường hợp đáng tiếc. Các bác sĩ và nhân viên y tế đã cố gắng hết sức mình nhưng bệnh nhân không qua khỏi. 

Trung tâm hồi sức COVID-19 lúc nào cũng trong tình trạng "căng như dây đàn", điện thoại liên tục nhận những cuộc gọi báo xe cứu thương đang chạy trên đường mà không có nơi nào tiếp nhận. 

Ngay chính tại trung tâm cũng không thể tiếp nhận toàn bộ các bệnh nhân được chuyển đến. "Khi quyết định bố trí được giường đưa bệnh nhân vào, bác sĩ phải làm tất cả mọi thứ để giúp bệnh nhân dù chưa biết tên tuổi của họ" - bác sĩ trẻ quả quyết.

Để chủ động trong cuộc chiến chống COVID-19, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, trau dồi kinh nghiệm qua đợt tập huấn, anh Bách còn học hỏi thêm từ các bác sĩ ở nước ngoài có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng như các bác sĩ ở trong nước để kịp thời xử lý được các tình huống xảy ra. 

Hơn 2 tháng cùng đồng bào miền Nam chống dịch, có lẽ giây phút thoải mái nhất của bác sĩ Bách là hoàn thành một "tour" trực mà không có bệnh nhân nào tử vong. "Giây phút ấy, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình rất có ích" - bác sĩ trẻ Đỗ Doãn Bách tâm niệm.

Tiếp tục cuộc chiến COVID-19

Không dừng lại ở công việc chuyên môn, bác sĩ trẻ còn tích cực tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành để sàng lọc và tư vấn cho bệnh nhân COVID-19. 

Tháng 7-2021 mạng lưới Thầy thuốc đồng hành ra đời, anh là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia, đảm đương việc vận hành mạng lưới ở Bình Dương và phụ trách tuyển dụng bác sĩ, tình nguyện viên cho toàn bộ mạng lưới.

Kể từ khi tham gia chống dịch, nhiều bệnh nhân biết số điện thoại của bác sĩ Bách nên chủ động gọi điện đến nhờ tư vấn trực tiếp, người quen cũng gọi xin tư vấn. Vì thế điện thoại của bác sĩ không lúc nào ngừng đổ chuông. Bác sĩ thừa nhận có những thời điểm tiếng chuông điện thoại đổ dồn đến… ám ảnh. 

Nhưng mỗi lần trò chuyện, tư vấn được cho F0 giúp bác sĩ lấy lại tinh thần, tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân. "Bây giờ thì không có tình huống nào khiến tôi lo lắng quá mức nữa, quãng thời gian ở TP.HCM đã giúp tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá" - anh bộc bạch.

Thời điểm này Hà Nội là điểm nóng của cuộc chiến COVID-19. Phòng C3 nơi bác sĩ Bách đang công tác là một trong những khoa đầu vào của Viện Tim mạch. Tất cả bệnh nhân vào viện sẽ được sàng lọc COVID-19 tại đây và chuyển lên các khoa phòng. Cuộc chiến với COVID-19 vẫn tiếp tục.

Mới đây, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã xuất sắc lọt Top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Bác sĩ trẻ khiêm tốn chia sẻ ngoài kia hàng ngàn y bác sĩ trên khắp cả nước đang tham gia vào cuộc chiến COVID-19, tham gia vào mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bản thân anh cảm thấy may mắn và vinh dự được giới thiệu đến giải thưởng này.

"Tôi thấy mình may mắn vì còn sức trẻ là còn cố gắng cống hiến. Khi đã gắn bó với công việc này, tôi luôn mong những điều tốt nhất đến cho người bệnh của mình" - bác sĩ bày tỏ.

Rẽ ngang sang học y

Sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y, nhưng trước đó bác sĩ Đỗ Doãn Bách không chọn nối nghiệp gia đình mà thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải. Sắp sửa bước chân vào giảng đường, anh lại rẽ hướng lên đường đi du học ở ĐH Y Quảng Tây (Trung Quốc). Hoàn thành việc học, anh trở về nước công tác ở Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

"Ngay khi lựa chọn ngành y, ông nội nói với tôi rằng: "Để làm được nghề y, việc đầu tiên là cháu phải có lòng thương yêu con người. Khi thương yêu con người, cháu sẽ có cách để giúp đỡ được người khác". Ông luôn là "cây cao bóng cả" để tôi noi theo" - bác sĩ Bách chia sẻ.

Trong suốt 5 năm công tác, bác sĩ trẻ tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao, vùng sâu vùng xa.

Anh chia sẻ những chuyến đi tình nguyện giúp anh kết nối được với người dân, kết nối với các đồng nghiệp. Điều mà bác sĩ trẻ luôn khát khao là được đến tận nơi, giúp đỡ được càng nhiều người bệnh càng tốt.

nguồn: tuoitre.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay2,920
  • Tháng hiện tại29,625
  • Tổng lượt truy cập1,212,657
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây