Trước tình hình đó, việc giữ vững niềm tin vào Đảng không chỉ là biểu hiện của lòng trung thành chính trị, mà còn là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ nền tảng tư tưởng, giữ gìn ổn định xã hội và định hướng phát triển bền vững của đất nước.
Thông tin đa chiều – cơ hội và thách thức
Chúng ta không thể phủ nhận rằng môi trường thông tin hiện nay đã trở nên đa chiều hơn bao giờ hết. Người dân có quyền tiếp cận và bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề, kể cả các chủ trương, chính sách lớn. Điều này vừa là cơ hội để xã hội thêm dân chủ, minh bạch; đồng thời cũng là thách thức khi xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bị bóp méo, thổi phồng, xuyên tạc, với mục đích chia rẽ lòng tin giữa nhân dân và Đảng.
Không ít nội dung trên mạng xã hội khoác vỏ bọc “góp ý”, “phản biện”, nhưng thực chất là gieo rắc hoài nghi, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ cán bộ, xuyên tạc lịch sử, kích động tâm lý bất mãn.
Giữ vững niềm tin – trách nhiệm và bản lĩnh của mỗi người trẻ
Trong bối cảnh ấy, giữ vững niềm tin vào Đảng là biểu hiện của sự trưởng thành chính trị, là sự khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm công dân, đặc biệt với cán bộ, đoàn viên, thanh niên – lực lượng xung kích của đất nước.
Niềm tin ấy không phải là sự ngây thơ chính trị hay niềm tin mù quáng, mà là kết quả của quá trình nhận thức đúng đắn, từ việc hiểu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong các thắng lợi của cách mạng, đến việc nhìn nhận khách quan cả những thành tựu lẫn hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Để giữ vững niềm tin, người trẻ cần trang bị cho mình kiến thức chính trị vững vàng, tư duy phản biện có chọn lọc, biết tiếp cận thông tin đa chiều nhưng không bị dẫn dắt bởi những luận điệu sai trái. Đồng thời, cần tích cực lan tỏa thông tin chính thống, những mô hình hay, gương người tốt, việc tốt trong đời sống – qua đó góp phần củng cố niềm tin xã hội, tạo ra dòng chảy thông tin tích cực trên không gian mạng.
Đấu tranh nhưng không đối đầu, phản biện nhưng có trách nhiệm
Không ai phủ nhận rằng đất nước còn những tồn tại, bất cập. Nhưng sự phản biện đúng đắn là để hoàn thiện chứ không phải để phủ nhận. Trong đấu tranh tư tưởng, mỗi cán bộ, đoàn viên cần thể hiện rõ chính kiến nhưng luôn dựa trên tinh thần xây dựng, tôn trọng sự thật, có trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Đối với những thông tin xấu, độc – thay vì im lặng hoặc chia sẻ cảm tính – người trẻ cần học cách phản bác bằng lý lẽ, bằng thái độ ôn hòa nhưng kiên định, bằng cách sử dụng các kênh chính thức để làm rõ đúng – sai, bảo vệ uy tín của tổ chức, cá nhân, và quan trọng nhất là bảo vệ uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong thời đại thông tin, niềm tin không tự có, mà được nuôi dưỡng bằng tri thức, bản lĩnh và trách nhiệm. Giữ vững niềm tin vào Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời đại số chính là cách mà thế hệ trẻ góp phần bảo vệ sự ổn định, phát triển và tương lai của đất nước.
Tác giả bài viết: Minh Triết
Ý kiến bạn đọc