92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tây Ninh không ngừng phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết, quật cường trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến, tay sai, liên tục đứng lên theo tiếng gọi của Đảng làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền tay sai phản động, lập ra chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân từ cơ sở đến tỉnh.
30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân Tây Ninh với chân lý không có gì quí hơn độc lập tự do, thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không làm nô lệ, đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, lập nên nhiều chiến công anh hùng.
Chiến thắng ấy, bắt nguồn từ Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công (25/8/1945), Đảng bộ Tây Ninh chỉ có 25 đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, các đảng viên đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ uỷ, sống trong lòng dân tuyên truyền vận động, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là đồng bào tín đồ Cao Đài, kiên quyết chống kẻ thù, đứng lên giành chính quyền từ bọn tay sai phát xít Nhật.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu ngày 08/11/1945 đến kết thúc cuộc kháng chiến tháng 7/1954, chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi khó khăn nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Với vị trí chiến lược quan trọng, có biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, trấn giữ phía tây bắc Sài Gòn; có căn cứ Phân liên Khu uỷ miền Đông và Trung ương Cục miền Nam; có trung tâm tôn giáo Cao Đài, nên Tây Ninh là nơi địch tập trung mọi âm mưu xảo quyệt: “chia để trị”, dùng người Khmer giết người Việt, dùng bọn phản động trong tôn giáo Cao Đài đánh Việt Minh. Chúng áp dụng chính sách “tam quang”, giết sạch, đốt sạch, phá sạch và dùng đủ các loại vũ khí tối tân lúc bấy giờ nhằm triệt phá vùng căn cứ kháng chiến.
Để giành thắng lợi, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã tổ chức chăm lo cuộc sống cho nhân dân, dù còn hạn hẹp. Củng cố các tổ chức Đảng thành hệ thống lãnh đạo vững mạnh. Từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và du kích lớn mạnh. Tổ chức giáo dục lập trường, quan điểm quần chúng và luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, vừa đánh địch tại địa phương, vừa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến của Phân liên Khu uỷ miền Đông, Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo toàn Miền giành thắng lợi, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh lại đứng trước những khó khăn gian khổ và ác liệt hơn. Ở từng thời kỳ của cuộc chiến tranh chống Mỹ - ngụy, chiến trường Tây Ninh luôn diễn ra ác liệt, tuy chịu nhiều tổn thất, nhưng quân dân Tây Ninh tự giác chấp nhận hy sinh, từng bước tiến lên.
Ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1960), chính quyền Ngô Đình Diệm với những âm mưu thủ đoạn thâm độc nhất ra sức đàn áp các lực lượng yêu nước, tiêu diệt ý chí độc lập thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Kẻ thù không từ bỏ một thủ đoạn độc ác nào để bắt, giam cầm, tàn sát các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước. Song, những cán bộ, đảng viên còn lại vẫn kiên cường bám trụ để lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Nhiều phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đòi quyền dân sinh, dân chủ diễn ra liên tục.
Không thể chịu đựng mãi ách thống trị của Mỹ-Diệm, với tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (01/1959) đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai (26/01/1960), mở đầu cao trào ở Nam bộ, khởi đầu cho phong trào Đồng Khởi vũ trang khắp Nam bộ, đánh bại chiến lược “Chiến tranh một phía” của Mỹ - Diệm, mở ra tình thế cách mạng mới, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó.
Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh một phía”, đế quốc Mỹ thực hiện các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam. Trên chiến trường Tây Ninh, Mỹ - ngụy đánh vào đây có tính chất huỷ diệt, vì Tây Ninh có căn cứ Trung ương Cục miền Nam - cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Quân dân Tây Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ từng bước tiến lên trong từng thời kỳ chiến tranh, vừa chống trả kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, cùng với toàn miền Nam lần lượt bẻ gãy các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, vừa ra sức bảo vệ vững chắc Khu Căn cứ địa cách mạng miền Nam, góp phần cùng với quân dân toàn Miền buộc đế quốc Mỹ xuống thang chiến tranh, ký kết Hiệp định Paris (01/1973), chấp nhận thua trận, rút quân về nước. Mỹ cút nhưng ngụy chưa nhào, quân dân Tây Ninh lại tiếp tục đứng lên tự giải phóng quê hương mình, xứng đáng với lòng tin của Đảng.
Thắng lợi 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) của quân dân Tây Ninh, trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt về đường lối của Đảng, Trung ương Cục, Quân uỷ và Tỉnh uỷ với nhiều nghị quyết đúng sát hợp. Cán bộ, đảng viên kiên định vững vàng về quan điểm, lập trường. Đảng bộ Tây Ninh xem công tác xây dựng Đảng là yếu tố quyết định, lấy đấu tranh xây dựng nội bộ đoàn kết để củng cố và phát triển; lấy phẩm chất, năng lực, lòng trung thành làm thước đo cho sự tiến bộ; động viên toàn Đảng bộ triệt để bám dân, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong tổ chức thực hiện vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa vận dụng linh hoạt phù hợp với chiến trường, sát đúng với tình hình địa phương, tạo được thế và lực mới để hoàn thành nhiệm vụ.
Do nhận thức đúng đắn sức mạnh của quần chúng, Đảng bộ xây dựng Mặt trận dân tộc ngày càng rộng rãi, vững mạnh trong từng giai đoạn cách mạng. Mặt trận quy tụ đông đảo các tầng lớp quần chúng, đặc biệt là quần chúng tín đồ Cao Đài. Mặt trận đã huy động và tổ chức quần chúng từ nông thôn đến thành thị, thánh thất, nhà thờ, nhà chùa, trường học, ấp chiến lược, biên giới hợp sức đấu tranh bằng mọi hình thức thích hợp, nửa hợp pháp đến không hợp pháp, biến thành bạo lực cách mạng đập tan mọi âm mưu của địch, qua đó xóa được hận thù dân tộc, đoàn kết người Việt với người Khmer cùng chống kẻ thù chung là đế quốc xâm lược, xóa bỏ hận thù giữa người có đạo và người không có đạo, đoàn kết đạo và đời cùng chống giặc; tạm cấp ruộng đất cho đồng bào bung ra sản xuất. Từ đó, nông thôn và thành thị nối liền, xóa vành đai cách biệt, cùng chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn, tự lực tổ chức hậu cần tại chỗ, tự cường chống giặc giữ làng, đồng thời tranh thủ sự chi viện của cấp trên, sự ủng hộ của các tỉnh bạn, tập trung lực lượng đánh vào kẻ thù.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường, Đảng bộ Tây Ninh đánh giá đúng tương quan lực lượng địch ta tại tỉnh và từng khu vực, từng huyện để vận dụng được sức mạnh tổng hợp và thực hiện phương châm đánh địch bằng 2 chân, 3 mũi, phối hợp chặt chẽ 3 thứ quân. Qua mỗi lần gặp khó khăn, Đảng bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm khắc phê bình và tự phê bình, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để vượt khó khăn vươn tới giành thắng lợi hoàn toàn bằng chính lực lượng của tỉnh, góp phần giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ba mươi năm sau ngày giải phóng (1975-2005), thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hòa bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm đảm bảo lo cho đời sống Nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành. Có thể nói 5 năm đầu sau ngày giải phóng đầy gian khổ, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh đã thể hiện rõ tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là cải tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi giúp nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pôn-Pốt gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh vẫn tiếp tục chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong - Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).
Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.
Giai đoạn 2010 - 2015, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân hằng năm 10,5%. Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) từ 1.434 USD năm 2010 tăng lên 2.400 USD trong năm 2017. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được quan tâm, củng cố; thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự thay đổi tích cực, trách nhiệm, hiệu quả. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng bình quân giai đoạn đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời (tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng). Đến 2020, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Trung ương và tỉnh đầu tư, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 1985, tổng thu ngân sách của tỉnh chỉ khoảng 3 tỷ đồng, đến năm 2020, con số này là 10.022,4 tỷ đồng, đạt 100,2% so dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, từ năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đặt tính mạng, sự an toàn của người dân là trên hết, trước hết vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế. Đến nay, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh (tỷ lệ tử vong 0,62%, thấp hơn mức bình quân chủng của cá nước); các sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từng bước được khôi phục. Đây là yếu tố có tính then chốt giúp Tây Ninh thực hiện đạt và vượt 11/19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, 04/04 chỉ tiêu về xây dựng Đảng trong năm 2021, trong đó nổi bật là:
- Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 10.386,204 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao, đạt 98,9% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 2,6% so với cùng kỳ (Nghị quyết 2021 đạt 10.500 tỷ đồng).
- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) ước thực hiện 52.040 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ (Nghị quyết tăng 5,5% trở lên); GRDP bình quân đầu người đạt 3.304 USD (Nghị quyết là 3.300 USD).
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2% (Nghị quyết tăng 7%).
- Giải ngân đầu tư công đạt 65,96% (cả nước đạt 49.47%).
- Tây Ninh xếp thứ 12 về thu hút đầu tư nước ngoài trên cả nước.
- Số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 17.887 lao động, tăng 11,8% so với nghị quyết (Nghị quyết là 16.000 lao động),...
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ước giảm 0,2% (Nghị quyết năm 2021 giảm 0,2%). Công tác chăm lo cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo; nhất là, người khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện kịp thời.
Tình hình an ninh chính trị, dân tộc, tôn giáo và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; công tác quân sự quốc phòng được triển khai thực hiện tốt.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; công tác tổ chức và cán bộ chuyển biến khá toàn diện. Công tác quản lý đảng viên từng bước đi vào nền nếp; thực hiện chặt chẽ, đúng quy định công tác cán bộ. Công tác dân vận, hoạt động Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Trải qua chặng đường 92 năm (1930-2022), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tây Ninh cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những bước thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng để giành lấy thắng lợi. Thắng lợi đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh, nhất là thời kỳ sau giải phóng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… đều không ngừng phát triển, làm “thay da đổi thịt” mảnh đất vô vàn khó khăn, gian khổ của các cuộc chiến tranh. Đó là hiện thực của cuộc sống mà bất kỳ người dân Tây Ninh nào cũng không được quyền phủ nhận.
(Một số hình ảnh tư liệu tỉnh Tây Ninh xưa và nay)
Nguồn: Tuyên giáo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc