Đổi mới trên những miền quê được đón Bác về thăm

Thứ hai - 16/09/2019 01:53 40 0

Đổi mới trên những miền quê được đón Bác về thăm

Đổi mới trên những miền quê được đón Bác về thăm

Mô hình trồng bưởi diễn của HTX nông nghiệp Bình Dương (Vĩnh Tường) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Ngày mùng Một Tết Bính Thân năm 1956, nhân dân xã Tân Phong (Bình Xuyên) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và chúc Tết. Buổi sáng đầu tiên của năm mới, mưa phùn lất phất bay, Bác xuất hiện trong trang phục giản dị với áo ka ki, dép cao su. Vừa đến nơi, Bác đã tới thăm gia đình anh Thêm - một cố nông nghèo trên địa bàn xã; Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh, tình hình sản xuất của gia đình. Sau đó, Bác thăm gia đình bà Đằng - là cơ sở kháng chiến, nuôi giấu chiến sĩ Cách mạng. Trò chuyện với nhân dân xã Tân Phong, Bác động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Vây quanh Bác là các em thiếu niên, nhi đồng. Bác căn dặn, thiếu nhi là mầm xanh của đất nước, các cháu phải cố gắng học hành để xây dựng nước nhà ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh hơn...

Đồng chí Lê Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong cho biết: “Nhớ lời căn dặn của Bác, nhân dân Tân Phong luôn đồng lòng, đoàn kết trong sản xuất. Trong công cuộc CNH – HĐH đất nước, nhân dân Tân Phong đã cùng với cả nước nỗ lực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 7/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo cao, song, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Tân Phong luôn đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, huy động hiệu quả các nguồn lực. Năm 2013, Tân Phong là một trong những địa phương đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới.

Nhân dân tân Phong tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, học hỏi các cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Đảng ủy, UBND xã luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cá nhân, tập thể mạnh dạn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cung cấp hàng hóa cho thị trường, tạo việc làm cho người dân địa phương. Do đó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm của xã đạt hơn 14%; các lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng đạt được nhiều thành tựu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,6%. Công tác xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng được địa phương quan tâm”.

Tháng 3/1958, bà con xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay là tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) tràn ngập niềm vui và phấn khởi khi được Bác Hồ về thăm, động viên phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp của địa phương. Phát huy truyền thống tốt đẹp, nhớ lời dạy của Người, hơn 60 năm qua, nhân dân tổ dân phố Lai Sơn luôn đoàn kết trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại năng suất cao cho bà con nông dân, những năm qua, HTX nông nghiệp Lai Sơn tăng cường hướng dẫn, vận động bà con xã viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chuỗi sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều hộ điển hình làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ vững mạnh về kinh tế, nhân dân tổ dân phố Lai Sơn còn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Trên địa bàn tổ dân phố, các thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư xây dựng đồng bộ đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mọi tầng lớp nhân dân. Tổ dân phố đã thành lập được các câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thể thao... thường xuyên tổ chức giao lưu, thi đấu sôi nổi. Nhiều năm liền, tổ dân phố Lai Sơn đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa cấp tỉnh”.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng đến nay, những ký ức về mùa xuân lịch sử năm 1961 khi được đón Bác Hồ về thăm vẫn mãi vẹn nguyên trong tâm tưởng nhiều người dân thôn Lạc Trung, xã Bình Dương (Vĩnh Tường). Những năm gần đây, vùng quê này đang là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế; đời sống của người dân liên tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,2% (năm 2015) còn 2,3% (năm 2019).

Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Bình Dương không chỉ tích cực trồng cây xanh bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp, mà còn năng động trong chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao để phát triển kinh tế. Hiện, toàn xã có 20 hộ trồng bưởi diễn, thu lãi hàng chục triệu đồng/năm. Các mô hình trồng cây cảnh, sản xuất rau sạch công nghệ cao cũng được bà con áp dụng hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ phấn khởi trước những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong những ngày mùa thu lịch sử này, nhân dân xã Bình Dương còn rất vinh dự, tự hào khi xã được Chính phủ công nhận là xã an toàn khu.

Hơn 60 năm qua, trên những vùng quê Bác Hồ đã từng tới thăm, diện mạo nông thôn, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của bà con không ngừng được đổi mới. Trên những vùng quê ấy, ký ức về Bác, về niềm vui ngày được đón Bác về thăm vẫn mãi vẹn nguyên cho đến tận hôm nay.

Quỳnh Hương

(Báo Vĩnh Phúc)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,173
  • Tháng hiện tại60,909
  • Tổng lượt truy cập673,322
đại hội đại biểu
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
TUỔI TRẺ SÁNG TẠO
Học bổng
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỐ CHO THANH THIẾU NHI
Đại hội đại biểu
Ngân hàng ý tưởng
MỖI NGÀY MỘT TIN TỐT – MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN ĐẸP
Liên kết website
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây